Truyền thuyết Ông Tơ Bà Nguyệt

Nam nữ trong nhân gian, chỉ cần một sợi chỉ hồng của “Ông Tơ Bà Nguyệt” thắt vào chân thì cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ địa vị cao thấp cũng sẽ đúng thời gian mà gặp nhau, kết duyên làm vợ chồng, cùng dắt tay nhau đi qua quãng đời còn lại. Vậy “Ông Tơ Bà Nguyệt” là ai?

” Ông Tơ Bà Nguyệt” gọi tắt là Nguyệt Lão hoặc là “Ông già ngồi dưới ánh trăng” là nhân vật nổi tiếng thời cổ đại của Trung Hoa, là thần nắm giữ việc mai mối hôn nhân trong thần thoại Trung Quốc, là ” Bà mối” trong thiên hạ, chủ trì nhân duyên của cả nam và nữ.

Truyền thuyết kể lại rằng, vào thời nhà Đường, có một tên thư sinh tên là Vi Cố, trên đường đi đến Tống thành nghỉ chân tại một nhà trọ. Buổi tối anh ta ra ngoài đi dạo thì gặp một ông lão trên lưng khoác một cái túi vải đang ngồi đọc sách. Vi Cố tiến đến trước mặt ông lão hành lễ rồi hỏi: ” Vì sao đã hơn nửa đêm rồi mà ông vẫn còn một mình ngồi ở đây ? ”

Ông lão trả lời: “Ta đang xem sách hôn nhân, cuốn sách này ghi lại quan hệ nhân duyên của con người trong thế gian.”

Vi Cố gặp Ông lão vai đeo túi ngồi đọc sách ven đường

Vi Cố nhìn thấy một túi gấm to bên cạnh ông lão thì lại hiếu kỳ mà hỏi. Ông lão không trực tiếp trả lời mà lấy ra một sợi chỉ hồng từ trong túi gấm, loáng một cái trong không trung xuất hiện một đường ánh sáng màu đỏ rực rồi lấp lánh dưới chân của Vi Cố. Ông lão nói với Vi Cố rằng: ” Sợi chỉ hồng này dùng để buộc chặt chân của hai người sẽ trở thành vợ chồng. Cho dù hai người có là kẻ thù của nhau, cho dù có xa cách vạn dặm, chỉ cần sợi chỉ này thắt vào chân hai người thì cả đời này họ sẽ không thể tách rời nhau”.

Vi Cố nhìn thấy hôn sự của mình vừa được ông lão định liền sốt ruột hỏi vợ mình là ai? Ông lão chỉ nói một câu: ” Con gái của bà lão bán rau ở chợ phía Bắc”. Nói xong ông lão liền biến mất.

Sáng sớm hôm sau, Vi Cố vì muốn nhìn thấy người vợ tương lai của mình như thế nào nên ăn mặc sạch đẹp đi đến nơi ông lão nói. Đến nơi anh ta chỉ thấy một bà lão bán rau trên tay bế một bé gái xấu xí nên vô cùng bực bội và buồn bã. Anh ta ra về và ra lệnh cho người hầu phải giết chết bé gái này.Người hầu tuân lệnh đến, nhưng khi mới đâm được một nhát vào trán của bé gái đó liền sợ hãi mà bỏ chạy.

Tại chợ phía Bắc, Vi Cố gặp mẹ con bà lão bán rau

Mười lăm năm sau, Vi Cố thành thân với con gái của vị quan thứ sử Tương Châu. Lúc động phòng nhìn thấy người vợ đẹp như hoa, Vi Cố vô cùng ưng ý và mừng rỡ. Chỉ có điều, trên trán của người vợ có một vết sẹo lớn. Vi Cố sau khi hỏi rõ nguyên do của vết sẹo này mới biết rằng, vợ mình chính là bé gái năm xưa từng bị anh ghét bỏ và cho người làm hại. Bé gái sau đó vì mất mẹ nên được vị quan thương tình nhận về làm con nuôi. Vi Cố vô cùng xấu hổ nên càng dùng tâm đối xử thật tốt với vợ mình. Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

Vi Cố thành thân với bé gái năm xưa mà mình đã làm hại

Sau này câu chuyện của Vi Cố được truyền đến Tống Thành. Người dân Tống thành vì để tưởng niệm Nguyệt Lão liền đem “Nam Điếm” đổi tên thành “Đính hôn điếm”. Từ đó về sau, câu chuyện về Nguyệt Lão dần dần được lưu truyền cho đến ngày nay. Mọi người cũng tin tưởng rằng, nhân duyên giữa nam và nữ là do Nguyệt Lão kết thành. Người ta bắt đầu dựng lập tượng và chùa thờ cúng Nguyệt Lão. Các chàng trai và cô gái mong muốn có mối nhân duyên tốt đều đến những ngôi chùa này để cầu phúc, hy vọng Nguyệt Lão cho mình một mối nhân duyên tốt đẹp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *